Dự án Motive

Đại học Thái Nguyên tham gia Hội thảo quốc tế “Chính sách dựa trên minh chứng và giáo dục đại học: Thực trạng, thách thức và cơ hội”

(SFL-TNU) Sáng ngày 31/10/2022, Hội thảo “Chính sách dựa trên minh chứng và giáo dục đại học: Thực trạng, thách thức và cơ hội” trong khuôn khổ dự án quốc tế “Giám sát xu hướng việc làm của sinh viên tốt nghiệp Việt Nam” (MOTIVE) đã được khai mạc và tổ chức tại Học viện Báo chí và Tuyển truyền. Hội thảo trực tiếp và trực tuyến từ ngày 31/10 đến ngày 03/11/2022.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Hội thảo là diễn đàn cho các chuyên gia trao đổi kết quả nghiên cứu về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp và việc sử dụng kết quả này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đồng thời làm cơ sở để xây dựng các chính sách giáo dục đại học. Việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp là một trong những chỉ số quan trọng về chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục. Tỷ lệ sinh viên có việc làm và tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cơ sở giáo dục.

Tham dự Hội thảo về phía đại biểu quốc tế có: Ông Antonio Alessandro, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam; Ông Dorel Nicolae Manitiu, Điều phối viên dự án, Hiệp hội các trường đại học AlmaLaurea; Ông Alessandro Malaguti, Hiệp hội nông nghiệp Italia, thành viên dự án; Bà Valentina Conti, Hiệp hội các trường đại học AlmaLaurea, các thành viên dự án MOTIVE tại Châu Âu.

Về phía đại biểu trong nước có: PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS.TS. Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên; PGS.TS. Phạm Bảo Dương, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam; TS. Phan Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long; Ông Bùi Tất Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội; Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội; Bà Đặng Thị Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ – Văn hóa Italia và Phát triển Hợp tác (ItaCentro), Điều phối viên dự án tại Việt Nam; Ông Bùi Tiến Dũng, đại diện Vụ Giáo dục Chính sách và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng đại diện các thành viên của dự án MOTIVE.

PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, để sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, các cơ sở giáo dục cần quan tâm ba giải pháp. Thứ nhất, bản thân chương trình đào tạo phải phù hợp với xu hướng của thị trường lao động. Chương trình phải cung cấp cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết để hoàn thành các nhiệm vụ trong thực tế nghề nghiệp. Thứ hai, cơ sở giáo dục cần tăng cường hoạt động hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp và kết nối sinh viên với nhà tuyển dụng. Thứ ba, ở tầm vĩ mô, các chính sách giáo dục cần dựa trên các minh chứng, thực tiễn cụ thể, đáp ứng các yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực và xu hướng phát triển của đất nước.

Ông Antonio Alessandro, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Antonio Alessandro, Đại sứ Italia tại Việt Nam đánh giá cao việc xây dựng và triển khai dự án Giám sát xu hướng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp. Các kết quả của dự án mang tính thiết thực, phục vụ trực tiếp hoạt động đào tạo, hướng nghiệp và hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm. Đại sứ quán Italia tại Việt Nam quan tâm thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và Italia. Đại sứ quán Italia sẽ tiếp tục ủng hộ việc triển khai dự án MOTIVE và các dự án tương tự trong tương lai.

Dorel Nicolae Manitiu, Điều phối dự án, Hiệp hội các Trường Đại học AlmaLaurea

Ông Bùi Tiến Dũng, Vụ Giáo dục Chính sách và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Tiến Dũng, đại diện Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, các trường đại học cần có những giải pháp để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên. Hoạt động hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cần được quan tâm. Các kết quả của dự án Giám sát xu hướng việc làm của sinh viên tốt nghiệp sẽ có giá trị tham khảo đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng các chính sách giáo dục.

TS. Vũ Thanh Vân, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền báo cáo tại hội thảo

Báo cáo tại hội thảo, TS. Vũ Thanh Vân, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của dự án này là tăng cường kết nối giữa sinh viên và nhà tuyển dụng nhằm giúp sinh viên có được việc làm và có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo sau tốt nghiệp. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp luôn là một trong những chỉ số quan trọng về chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục.

Đoàn công tác Đại học Thái Nguyên tham dự hội thảo

Đoàn công tác Đại học Thái Nguyên tham dự có PGS.TS. Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên; các thành viên là nghiên cứu viên: PGS.TS. Đặng Xuân Bình, Trưởng phòng Phòng Công tác HSSV Trường Đại học Nông Lâm; TS. Nguyễn Bích Hồng, Trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh; ThS. Lê Văn Thủy, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học và Đối ngoại Trường Ngoại ngữ.

Một số hình ảnh hoạt động tại hội thảo:

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Trường Đại học Hà Nội tham luận tại Hội thảo

Sinh viên Nguyễn Kim Ngân, Trường Đại học Hà Nội tham luận tại Hội thảo

(Lê Thủy, SFL – TNU)

Chia sẻ: