Nấm “ăn” nhựa – Giải pháp chống ô nhiễm rác thải nhựa
(ANTV) – Cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đang ngày càng nghiêm trọng hơn trên toàn cầu. Để ứng phó, nhiều nơi tăng cường tái chế đồ nhựa đã qua sử dụng, sản xuất đồ nhựa có khả năng phân hủy nhanh, thân thiện với môi trường hoặc xử lý rác thải nhựa hợp lý. Trong nỗ lực đó, mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sydney của Australia đã công bố một giải pháp chống ô nhiễm rác thải nhựa. Đó là dùng một số loại nấm để “ăn” nhựa.
Tại Đại học Sydney, Australia, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Ali Abbas đứng đầu đã thực hiện một thử nghiệm quan trọng nhằm tìm ra giải pháp sinh học mới trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, đặc biệt là loại nhựa polypropylene (PP) – một trong những loại nhựa phổ biến nhưng rất khó tái chế. Bằng cách xử lý loại nhựa này thông qua nhiệt hoặc tia cực tím trước khi tiếp xúc với dung dịch chứa nấm có nguồn gốc từ đại dương, nhóm nghiên cứu đã phát hiện enzyme do nấm tiết ra có thể phá vỡ cấu trúc nhựa, thúc đẩy quá trình phân hủy tự nhiên nhanh hơn rất nhiều so với thông thường.
Giáo sư Ali Abbas khẳng định rằng nhựa thường tồn tại rất lâu trong môi trường và có thể mất hàng trăm năm để phân hủy. Tuy nhiên, thử nghiệm mới đã chỉ ra rằng loại nấm biển này có thể giúp rút ngắn thời gian đó đáng kể. Cùng với ông, nhà nghiên cứu Ali Noman Mohammed cho biết loài nấm từ biển tỏ ra vượt trội hơn so với các loại nấm trên cạn đã được thử nghiệm trước đó, vốn chỉ phân hủy được 27% nhựa PP sau 90 ngày.
Polypropylene chiếm khoảng 20% tổng số bao bì được sử dụng tại Australia trong năm tài chính 2021 – 2022, nhưng chỉ khoảng 8% được thu hồi để tái chế, phần lớn do loại nhựa này có cấu trúc bền vững và dễ bị nhiễm bẩn. Vì thế, việc ứng dụng loại nấm có khả năng phân hủy nhựa hiệu quả không chỉ mang lại tiềm năng xử lý rác thải nhựa PP mà còn giúp tiết kiệm chi phí và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Hiện nhóm nghiên cứu tại Đại học Sydney đang tiếp tục tối ưu hóa quy trình để hướng tới ứng dụng mô hình này ở quy mô thương mại.
Không chỉ ở Australia, các nhà khoa học tại Đức cũng đã ghi nhận một phát hiện quan trọng về khả năng phân hủy nhựa của nấm vi sinh, cụ thể là loài nấm được tìm thấy tại Hồ Stechlin. Theo ông Hans-Peter Grossart từ Viện Sinh thái nước ngọt Leibniz, những loại nấm này có thể phát triển trên một số polyme tổng hợp, thậm chí tạo thành sinh khối, cho thấy tiềm năng lớn trong việc phân hủy nhựa trong điều kiện tự nhiên.
Trong bối cảnh sản lượng nhựa toàn cầu đã tăng vọt từ 1,7 triệu tấn năm 1950 lên đến 400 triệu tấn vào năm 2022, nhưng chỉ khoảng 9% trong số đó được tái chế, phát hiện về khả năng “ăn nhựa” của nấm mang lại hy vọng mới cho cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu các giải pháp sinh học và công nghệ, việc thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng nhựa vẫn là yếu tố then chốt để bảo vệ môi trường một cách bền vững.