02/07/2025
# Ni Lông
# Nhựa
# Đồ nhựa sử dụng một lần
Mỗi ngày, chúng ta đều phải đưa ra những lựa chọn, dù lớn hay nhỏ nhưng cũng sẽ để lại kết quả của sự lựa chọn đó. Đơn giản như việc lựa chọn sử dụng túi ni lông hay đồ nhựa dùng một lần, tưởng chừng vô thức nhưng để lại dấu ấn kéo dài hàng trăm năm. Do đó, điều chúng ta cần làm là lựa chọn đúng đắn, bởi mỗi người đều cần có ý thức trách nhiệm với môi trường, với cộng đồng và thế hệ tương lai.
Phong trào “Chống rác thải nhựa” bắt đầu từ một lời kêu gọi nhưng đã tạo ra sức mạnh của cả cộng đồng. Từ những thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày đến các sáng kiến đột phá trong sản xuất và dịch vụ, tất cả đều góp phần định hình một xu thế sống xanh, sống trách nhiệm và đầy ý nghĩa.
Bên cạnh lựa chọn đồ dùng hợp lý thì phân loại chất thải rắn càng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người. Phân loại rác không chỉ giúp tối ưu hóa việc tái chế, tái sử dụng, giảm tải cho bãi rác mà còn góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Một chiếc vỏ chai nhựa, một lon nước ngọt hay một tờ giấy thải đều có thể được tái sinh nếu được phân loại đúng cách.
I. TỔNG QUAN
1. Khái niệm và phân loại
1.1. Túi ni lông
Hiện không có khái niệm chính thức về túi ni lông, thông thường, túi ni lông là loại túi được làm từ nhựa polyme, chẳng hạn như polyethylene (PE) và polypropylene (PP) và có đặc điểm là rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Còn theo Luật Thuế bảo vệ môi trường, túi ni lông thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, tên kỹ thuật là túi nhựa xốp.
1.2. Nhựa
a. Khái niệm
Nhựa là một loạt các vật liệu tổng hợp hoặc bán tổng hợp sử dụng polyme làm thành phần chính. Tính dẻo của chúng giúp nhựa có thể được đúc, đùn hoặc ép thành các vật thể rắn có nhiều hình dạng khác nhau.
Sản phẩm nhựa sử dụng một lần là các sản phẩm (trừ sản phẩm gắn kèm không thể thay thế) bao gồm khay, hộp chứa đựng thực phẩm, bát, đũa, ly, cốc, dao, thìa, dĩa, ống hút, dụng cụ ăn uống khác có thành phần nhựa được thiết kế và đưa ra thị trường với chủ đích để sử dụng một lần trước khi thải bỏ ra môi trường .
Bao bì nhựa khó phân hủy sinh học là bao bì có thành phần chính là polyme có nguồn gốc từ dầu mỏ như nhựa Polyme Etylen (PE), Polypropylen (PP), Polyme Styren (PS), Polyme Vinyl Clorua (PVC), Polyethylene Terephthalate (PET) và thường khó phân hủy, lâu phân hủy trong môi trường thải bỏ (môi trường nước, môi trường đất hoặc tại bãi chôn lấp chất thải rắn).
b. Phân loại nhựa
Mỗi loại nhựa được cấu tạo từ một phân tử hoặc tập hợp các phân tử khác nhau. Các phân tử khác nhau không trộn lẫn khi nhựa được tái chế. Vì lý do này mà các loại nhựa khác nhau cần được phân loại riêng. Số tái chế là một cách thống nhất để phân loại các loại nhựa khác nhau và nó hỗ trợ các nhà tái chế trong quá trình phân loại.
Thông thường các sản phẩm nhựa sẽ được phân biệt với một mã số nhất định để nhận biết, nhưng trong một số trường hợp nhựa không được đánh dấu tên loại nhựa trên sản phẩm làm cho người dùng khó có thể phân biệt được chúng. Khi đó, cần dựa vào đặc điểm vật lý, tính chất hóa học hoặc mục đích sử dụng của sản phẩm để phân biệt.
Hiện nay, hầu hết các sản phẩm nhựa được phân biệt bằng các mã số nhất định và in ở bên dưới hoặc trên bền mặt của hầu hết sản phẩm nhựa bên trong biểu tượng tái chế hình tam giác ba mũi tên. Con số này giúp người sử dụng có thể dễ dàng nhận biết được sản phẩm được làm bằng loại nhựa gì.
Mã nhận diện nhựa (Resin Identification Code – RIC) là mã số để phân biệt các loại nhựa do tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế ASTM ban hành .
Mã RIC thường được in bên trong biểu tượng tam giác tái chế gồm ba mũi tên và kèm theo một con số từ 1 đến 7, cụ thể như sau:
– Nhựa có ký hiệu số 1 hay còn gọi là PET hoặc PETE.
– Nhựa có ký hiệu số 2 hay còn gọi là HDPE hoặc HDP.
– Nhựa có ký hiệu số 3 hay còn gọi là V-PVC.
– Nhựa có ký hiệu số 4 hay còn gọi là LDPE.
– Nhựa có ký hiệu số 5 hay còn gọi là PP.
– Nhựa có ký hiệu số 6 hay còn gọi là PS.
– Nhựa có ký hiệu số 7 hay còn gọi là Other.
Nhựa có ký hiệu số 1
Nhựa có ký hiệu số 1 hay còn gọi là PETE hoặc PET (Polyethylene Terephthalate).
Ứng dụng: PET là một trong những loại nhựa được sử dụng phổ biến nhất trong các sản phẩm tiêu dùng và được tìm thấy trong hầu hết các loại chai nước, chai lọ và một số bao bì.
Mức độ an toàn:
Nhựa PET được xem là an toàn đối với thực phẩm và đồ uống.
Nhựa PET chỉ nên sử dụng một lần, không nên tái sử dụng nhiều lần. Việc tái sử dụng nhiều lần chưa qua xử lý có thể gây ra hiện tượng nhiễm vi khuẩn và giải phóng các chất độc có thể gây ung thư (antimony và phthalates).
Độ bền nhiệt thấp và dễ bị biến dạng, cong queo, tuyệt đối không dùng nhựa PET để đựng nước hoặc thực phẩm nóng.
Mức độ an toàn:
Nhựa PET được xem là an toàn đối với thực phẩm và đồ uống.
Nhựa PET chỉ nên sử dụng một lần, không nên tái sử dụng nhiều lần. Việc tái sử dụng nhiều lần chưa qua xử lý có thể gây ra hiện tượng nhiễm vi khuẩn và giải phóng các chất độc có thể gây ung thư (antimony và phthalates).
Độ bền nhiệt thấp và dễ bị biến dạng, cong queo, tuyệt đối không dùng nhựa PET để đựng nước hoặc thực phẩm nóng.
Khả năng tái chế: Dễ tái chế
PET là vật liệu có thể tái chế hoàn toàn từ chai thành chai (bottle-to-bottle). Các sản phẩm thường được làm từ PET tái chế bao gồm chai và lọ PET mới, thảm, quần áo, dây đai công nghiệp, dây thừng, phụ tùng ô tô, chất làm đầy cho áo khoác và vật liệu xây dựng và bao bì bảo vệ.
Nhựa có ký hiệu số 2
Nhựa có ký hiệu số 2 hay còn gọi là HDPE hoặc HDP (High Density Polyethylene).
Ứng dụng: HDPE được làm từ dầu mỏ, đôi khi được gọi là “alkathene” hoặc “polythene”. Là loại nhựa có mật độ cao, HDPE được sử dụng trong sản xuất chai nhựa, đường ống dẫn nước, băng tải, bao bì mỹ phẩm, hóa chất, các dụng cụ ngoài trời…
Mức độ an toàn: Là loại nhựa tốt nhất mà các chuyên gia khuyên dùng để đựng thực phẩm. HDPE mật độ cao có khả năng chống mài rất tốt. Sản phẩm HDPE chịu được cả nhiệt độ thấp và nhiệt độ cao nên có thể sử dụng trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Chúng có thể chịu được nhiều loại hóa chất mạnh. Độ bền cao, chịu va đập tốt, ít bị biến dạng, trầy xước, độ bền nhiệt cao (chịu được nhiệt độ 1100C).
Khả năng tái chế: Dễ tái chế và tái chế đa dạng
HDPE gần như không phân hủy và tạo ra các chất nguy hiểm đối với môi trường tự nhiên, chúng có thể được tái chế hoàn toàn và sử dụng như nhựa nguyên sinh.