Sự kiện

Hội nghị triển khai hoạt động Khoa học công nghệ, Đối ngoại và Truyền thông năm 2025

Sáng nay 11/2, tại Phòng họp số 1 – Trường Ngoại ngữ – Đại học Thái Nguyên diễn ra Hội nghị triển khai hoạt động Khoa học công nghệ, Đối ngoại và Truyền thông năm 2025. Hiệu trưởng TS. Lê Hồng Thắng tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị.

Đến dự Hội nghị có đại diện Ban Giám hiệu, Ban chủ nhiệm, Phụ trách Khoa, Bộ môn và các trợ lý nghiên cứu khoa học, đại diện lãnh đạo các Phòng chức năng Nhà trường.

TS. Lê Hồng Thắng – Hiệu trưởng Nhà trường chỉ đạo điều hành Hội nghị 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, TS. Lê Hồng Thắng – Hiệu trưởng Nhà trường đã chỉ rõ vai trò quan trọng của Khoa học công nghệ, Đối ngoại và Truyền thông đối với Nhà trường và đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm vô cùng quan trọng hiện đang được Đảng và Nhà nước quan tâm sát sao chỉ đạo đó là đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh hội nhập giáo dục và xu thế toàn cầu hóa.

TS. Lê Hồng Thắng – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu cùng nhìn lại những điểm nổi bật của công tác Khoa học công nghệ, Đối ngoại, Truyền thông năm 2024 và triển khai thực hiện nhiệm vụ các hoạt động Khoa học công nghệ, Đối ngoại và Truyền năm 2025 thông qua báo cáo tổng kết do ThS Nguyễn Thị Lan Anh – Phó Trưởng phòng – Phụ trách Phòng Quản lý Khoa học và Đối ngoại trình bày.

ThS Nguyễn Thị Lan Anh – Phó Trưởng phòng – Phụ trách Phòng Quản lý Khoa học và Đối ngoại trình bày tham luận tại Hội nghị

Hội nghị đã nghe những phát biểu tham luận của các đơn vị trong Trường đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động Khoa học công nghệ, Đối ngoại và Truyền thông.

ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Trưởng khoa – Khoa tiếng Anh đã trình bày tham luận tại Hội nghị

ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Trưởng khoa – Khoa tiếng Anh đã trình bày “Giải pháp đẩy mạnh tham gia đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và công bố khoa học quốc tế của giảng viên” trong bài tham luận ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc đã chỉ rõ 03 yếu tố chính tạo nên sự thành công trong NCKH là: năng lực nghiên cứu, động lực nghiên cứu và môi trường nghiên cứu. Tham luận cũng chỉ ra một số giải pháp: Tạo môi trường và cơ chế hỗ trợ nghiên cứu; Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước; Xây dựng chiến lược đào tạo kỹ năng nghiên cứu và viết bài quốc tế; Gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn giảng dạy; Thúc đẩy công bố quốc tế thông qua chính sách khen thưởng.

ThS. Vũ Thị Huyền Trang – Giảng viên, Trợ lý NCKH Khoa Tiếng Trung Quốc đã trình bày tham luận

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong giảng dạy, NCKH và trong hoạt động hướng dẫn sinh viên NCKH của bản thân, ThS. Vũ Thị Huyền Trang – Giảng viên, Trợ lý NCKH Khoa Tiếng Trung Quốc đã trình bày về “Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên”. Tại Trường Ngoại ngữ hoạt động NCKH đã được coi trọng và quan tâm, nhưng do nhiều nguyên nhân, những năm qua hoạt động NCKH của sinh viên còn chưa được đẩy mạnh. Phần lớn các em còn chưa nhận thức được ý nghĩa của việc NCKH và có những cách hiểu chưa thật thấu đáo về NCKH, không xác định được hướng nghiên cứu, cảm thấy khó khăn hoặc cho rằng không quá cần thiết. Bên cạnh đó, những chế tài cho hoạt động NCKH của sinh viên còn chưa đủ mạnh để tạo động lực và áp lực cho sinh viên tham gia NCKH. Một số sinh viên đã đăng ký tham gia làm đề tài NCKH và được phê duyệt, xong lại xin rút giữa chừng, làm ảnh hưởng đến giảng viên hướng dẫn và kế hoạch đào tạo của nhà trường. Tham luận của ThS. Vũ Thị Huyền Trang cũng chỉ ra những giải pháp như: nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của NCKH; cần có những chính sách tốt hơn đối với hoạt động NCKH của sinh viên như tăng thêm nguồn kinh phí hỗ trợ: bao gồm kinh phí hỗ trợ đề tài, kinh phí tổ chức hội nghị khoa học, kinh phí khen thưởng và kinh phí cho các hoạt động khác, đồng thời tiến hành các hoạt động tư vấn, tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học. Nâng cấp thư viện; Tổ chức các cuộc thi NCKH; Ghi nhận và khen thưởng xứng đáng; Tăng cường quảng bá và truyền thông về các hoạt động NCKH.

ThS. Nguyễn Phương Thủy – Trưởng khoa Khoa học cơ bản trình bày tham luận

“Phát huy sức mạnh tập thể nhằm đổi mới và đẩy mạnh hoạt động truyền thông của Nhà trường” – là tham luận của  ThS. Nguyễn Phương Thủy – Trưởng khoa Khoa học cơ bản đã chỉ rõ: Việc phát huy sức mạnh tập thể là yếu tố then chốt để đổi mới và đẩy mạnh hoạt động truyền thông, để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị, phòng ban, sự đầu tư về nguồn lực và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin. Trong bài tham luận cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể như: Đổi mới truyền thông bằng việc nâng tầm chất lượng giáo dục; Xây dựng chiến lược truyền thông bài bản; Kiện toàn đội ngũ truyền thông; Đa dạng hóa kênh truyền thông; Tăng cường sự phối hợp; Ứng dụng công nghệ thông tin; Xây dựng hệ thống đo lường, đánh giá hiệu quả hoạt động truyền thông, thường xuyên thu thập phản hồi từ đối tượng truyền thông để cải thiện hoạt độ; Đầu tư kinh phí cho hoạt động truyền thông; Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong trường nhằm phát huy trí tuệ sức mạnh đoàn kết nhằm nâng cao chất lượng của công tác truyền thông.

Bí thư đoàn Thanh niên – Phạm Viết Ngọc trình bày tham luận về “Đổi mới và đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế”

Nổi bật hơn là tham luận về “Đổi mới và đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế” của Bí thư đoàn Thanh niên – Phạm Viết Ngọc – Chuyên viên Phòng Quản lý Khoa học và Đối ngoại. Bí thư đoàn đã khẳng định công tác đối ngoại đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu khoa học của các trường đại học. Việc triển khai hiệu quả các giải pháp trên không chỉ giúp tăng cường hợp tác quốc tế mà còn nâng cao vị thế của nhà trường trong khu vực và trên thế giới. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban lãnh đạo Nhà trường, các Phòng, Khoa chức năng và toàn thể giảng viên, sinh viên. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý giáo dục và sự hợp tác của các đối tác quốc tế. Giải pháp đẩy mạnh công tác đối ngoại: Cần xây dựng chiến lược đối ngoại dài hạn; Nâng cao năng lực ngoại ngữ và kỹ năng đối ngoại; Mở rộng và đa dạng hóa quan hệ hợp tác quốc tế; Tận dụng công nghệ và nền tảng số trong công tác đối ngoại; Huy động nguồn lực tài chính cho hoạt động đối ngoại; Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác đối ngoại…

Tại Hội nghị chúng ta được lắng nghe và tiếp thu nhiều ý kiến quý báu trao đổi thảo luận từ Ban Giám hiệu, các thầy cô lãnh đạo các Phòng, Khoa, Bộ môn

TS. Đặng Thị Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng Nhà trường trao đổi thảo luận tại Hội nghị

TS. Phùng Thị Tuyết – Trưởng phòng Phòng Đào tạo và Quản lý người học trao đổi thảo luận tại Hội nghị

TS. Đỗ Thị Thúy Hà – Phó Trưởng khoa – Phụ trách Khoa Tiếng Trung phát biểu trao đổi thảo luận tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, TS. Lê Hồng Thắng – Hiệu trưởng Nhà trường đã ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm qua. Dù còn nhiều khó khăn và thách thức, song nhờ sự sáng tạo, cố gắng nỗ lực của toàn thể viên chức giảng viên và người lao động, hoạt động Khoa học công nghệ, Đối ngoại và Truyền thông đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đồng thời, Thầy cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và yêu cầu toàn thể viên chức và người lao động đặc biệt Phòng Quản lý Khoa học và Đối ngoại của Nhà trường nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tốt năng lực chuyên môn, sáng tạo để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ Khoa học công nghệ, Đối ngoại và Truyền thông; nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của tổ chức, bộ máy nhằm đảm bảo hoạt động trơn tru, linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả trên tinh thần phát huy vai trò từng cá nhân trong tham mưu, đề xuất đến tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đề nghị Phòng Quản lý Khoa học và Đối ngoại tiếp thu ý kiến đóng góp của các đơn vị và triển khai hiệu quả các chỉ tiêu trong năm học tới.

TS. Lê Hồng Thắng – Hiệu trưởng Nhà trường kết luận tại Hội nghị

Đưa tin: Dương Hiền

Ảnh: Linh Chi

Chia sẻ: