Cán bộ, giảng viên, NLĐ

ChatGPT và tác động ChatGPT đến hoạt động báo chí hiện nay

# ChatGPT

# OpenAI

# Trí tuệ nhân tạo

Trong thời gian gần đây, trên rất nhiều trang báo, trang thông tin điện tử, ứng dụng tin tức đưa tin về ChatGPT hay kèm một số từ khóa khác như: OpenAI, trí tuệ nhân tạo, …. những điều tuyệt vời, thú vị đem lại khi trải nghiệm ChatGPT. Tuy nhiên cũng không ít quan điểm trái chiều cũng như cảnh báo mối nguy hại từ ChatGPT hay công nghệ AI đem đến khi những hiệu quả này được sử dụng sai mục đích.

ChatGPT là gì?

ChatGPT là sản phẩm thuộc công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI nằm tại San Francisco, được cho ra mắt vào ngày 30/11/2022, thu hút 57 triệu người dùng sau một tháng ra mắt. Tính đến 31/1, siêu AI đã đạt 100 triệu người, Trung bình mỗi ngày trong tháng 1, ChatGPT có 13 triệu người truy cập.

Nó được tạo nên từ kho dữ liệu vô cùng khổng lồ lấy từ internet. Trong đó có cả website Reddit – một nơi lưu trữ các thông tin trên toàn thế giới về nhiều chủ đề khác nhau. Công cụ này có thể mô phỏng được các đoạn đối thoại của con người. ChatGPT (Generative Pre-training Transformer) là một loại Trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng hiểu và tạo ra văn bản với ngôn ngữ tự nhiên. ChatGPT được phát triển trên nền tảng Mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model – LLM) – mô hình có khả năng đọc, tóm tắt 

và dịch văn bản, giúp phỏng đoán từ ngữ tiếp theo trong một câu văn, tự nhiên như cách con người giao tiếp.

ChatGPT là hệ thống chatbot nhân tạo được tạo ra trên khoa học nền tảng GPT-3 (với 175 tỷ tham số và khả năng xử lí hàng tỷ từ chỉ trong 1 giây). Đây là một mô hình ngôn ngữ rộng lớn có khả năng tạo các văn bản giống như đang trò chuyện với con người thật chỉ với việc truy xuất những từ khóa cơ bản. Nó sẽ có phần mô phỏng giống với những cuộc trò chuyện tự động một cách tự nhiên với khách hàng nhưng được ứng dụng trên nền tảng công nghệ AI hiện đại. Điều này mang đến cho người dùng trải nghiệm trò chuyện với các thông tin thú vị hơn.

Hệ thống chương trình này có thể giúp bạn trả lời trên nhiều khía cạnh và lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, hỗ trợ viết code, email, học tập… ChatGPT hỗ trợ bạn tương tác với điện thoại tốt hơn và thậm chí là thay thế con người trong một số yêu cầu nhất định.

Kể từ khi được tung ra công cụ này đã khiến nhiều người ngạc nhiên về mức độ thông minh của nó. Những tác vụ khiến bạn mất nhiều thời gian tìm trên Google giờ đây ChatGPT sẽ đưa ra câu trả lời trong vòng vài giây. Đây được xem là nền tảng có thể thay thế Google trong tương lai. Việc đào tạo ChatGPT dựa vào những phản hồi của người dùng. Nhờ vậy, trí tuệ nhân tạo sẽ dễ dàng xác định được mong muốn của người sử dụng khi đặt câu hỏi.

ChatGPT hoạt động như thế nào?

ChatGPT được cung cấp một tập dữ liệu văn bản lớn (bài báo, các cuộc hội thoại, văn bản…) để tìm hiểu và học hỏi các câu mẫu và cấu trúc của ngôn ngữ. Khi đã học đủ về ngôn ngữ, ChatGPT có thể tạo văn bản của riêng mình dựa trên một gợi ý hoặc chủ đề cụ thể.

CHAT-GPT-LA-GI-4

Nguyên lý hoạt động của ChatGPT sẽ ghi nhận những câu hỏi của bạn, sau đó đưa ra lời giải đáp. Để có thể trả lời mô phỏng này sử dụng các dữ liệu từ hệ thống internet. Theo thống kế có 570GB thông tin khác nhau cùng với 300 tỷ từ trong hệ thống.

ChatGPT sẽ dự đoán sau đó đưa ra đáp án dựa vào nguồn thông tin hệ thống. Để có thể hoạt động, hệ thống này sử dụng những thuật toán và trải qua nhiều cuộc thí nghiệm. Người dùng cung cấp câu hỏi cụ thể như “Một năm có bao nhiêu quý?”. Nếu thuật toán đưa ra câu trả lời sai thì đáp án đúng sẽ được nhập vào hệ thống ngay. Từ đó, giúp hệ thống có thể học kiến thức và những thông tin trở nên chuẩn xác hơn.

ChatGPT không giống Chatbot truyền thống, nó không kết nối internet và không có khả năng truy cập thông tin bên ngoài. Dữ liệu để phản hồi người dùng được đào tạo và cài sẵn và được cập nhật liên tục trong quá trình sử dụng. Mục đích chính là một hệ thống xử lý ngôn ngữ tạo văn bản giống như con người. 

Điểm tạo nên sự khác biệt của công cụ là việc không ngừng tăng vốn hiểu biết giúp hệ thống ngày các tiếp cận được với con người và dần nạp vào nhiều gợi ý và thắc mắc của con người hơn.

ChatGPT sẽ dự đoán và đưa ra đáp án dựa vào nguồn thông tin hệ thống, xử lý ngôn ngữ tạo văn bản giống như con người.

Thuật toán đằng sau ChatGPT

ChatGPT sử dụng thuật toán Transformer, đào tạo trước một lượng lớn dữ liệu trên mạng nơ-ron, một chương trình máy tính được thiết kế để bắt chước cách thức hoạt động của bộ não con người. Thuật toán transformer có thể phân tích và hiểu được một lượng lớn dữ liệu bằng văn bản, và sử dụng hiểu biết này để tạo ra các văn bản tương tự như cuộc trò chuyện của con người.

Tại sao ChatGPT lại gây ra “sốt” toàn thế giới?

Một trong những lý do chính khiến ChatGPT gây sốt toàn thế giới là vì nó thể hiện sự tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực NLP (Lập trình ngôn ngữ tư duy (tiếng Anh: Neuro-linguistic programming hay NLP) là một phương pháp tiếp cận giả khoa học để giao tiếp, phát triển cá nhân và liệu pháp tâm lý được Richard Bandler và John Grinder ở California, Hoa Kỳ tạo ra vào những năm 1970). Các mô hình ngôn ngữ truyền thống dựa trên các kỹ thuật thống kê được đào tạo trên bộ dữ liệu lớn về ngôn ngữ của con người để dự đoán từ tiếp theo trong một chuỗi. Mặc dù các mô hình này đã đạt được kết quả ấn tượng nhưng chúng bị giới hạn bởi lượng dữ liệu được sử dụng để đào tạo. Mặt khác, ChatGPT sử dụng kiến trúc transformer, cho phép xử lý song song một lượng lớn dữ liệu. Điều này cho phép ChatGPT học nhiều hơn về ngôn ngữ và các sắc thái của ngôn ngữ, dẫn đến khả năng hiểu và tạo văn bản giống con người hơn.

Đặc biệt, ChatGPT thể hiện sự ưu việt bởi công nghệ này có thể được tích hợp nhiều giải pháp khác nhau như chatbot, trợ lý ảo, hệ thống dịch máy, công cụ tóm tắt văn bản,… để tạo ra các giải pháp có tính đột phá mạnh mẽ hơn hiện tại. Tiềm năng ứng dụng ChatGPT là vô tận và có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong cách mà con người tương tác với máy tính trong tương lai không xa. 

NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA CHATGPT ĐẾN HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã có bài viết rất chi tiết về chủ đề: ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Báo chí. Trong đó chỉ rõ:

ChatGPT tác động mạnh đến hoạt động báo chí và sẽ dần thay thế vị thế của báo chí

 

Cuối tháng 02/2023, trong một văn bản nội bộ, CEO của tập đoàn báo chí Đức Axel Springer là Mathias Doepfner đã thẳng thừng tuyên bố rằng các nhà báo đang có nguy cơ bị các hệ thống AI như ChatGPT thay thế. Theo ông, những công cụ AI như ChatGPT hứa hẹn “một cuộc cách mạng” về thông tin, và sẽ sớm vượt con người về khả năng thu thập thông tin. “Hiểu rõ về sự thay đổi này là điều tối quan trọng đối với tương lai của một cơ quan báo chí,” Doepfner nói. “Chỉ những cơ quan tạo ra được nội dung gốc xuất sắc nhất mới có thể tồn tại”.

Với việc ChatGPT có thể viết các bài luận, bài phát biểu, thậm chí cả các đoạn mã máy tính trong vòng vài giây, còn Midjourney và DALL-E 2 có thể tạo ra bất kỳ bức hình nào mà chúng ta có thể tưởng tượng ra, cũng dễ hiểu khi ai đó lo lắng rằng sự phát triển của AI và việc ngày càng phụ thuộc vào nó, điều này có thể khiến cho vị thế của báo chí vốn tồn tại hàng trăm năm qua trở nên lung lay. 

Axel Springer không phải cơ quan báo chí đầu tiên tính đến chuyện sử dụng AI để tạo nội dung. Hồi tháng 01/2023, BuzzFeed công bố kế hoạch sử dụng trí tuệ nhân tạo để “tăng cường” nội dung và các câu đố online. Buzzfeed dự kiến sẽ cắt giảm 12% nhân lực. 

Tại Anh, Reach, công ty mẹ của các nhật báo Daily Mirror và Daily Express đã bắt đầu xuất bản những bài báo do trí tuệ nhân tạo viết ra. Hôm 07/3/2023 vừa qua, Giám đốc điều hành Jim Mullen thừa nhận rằng Reach đã đăng tải trên các trang tin địa phương 2 bài báo sử dụng hệ thống AI gọi là Scribe, và thử nghiệm đó sẽ được mở rộng.

Theo Priyanjana Bengani, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Tow thuộc Đại học Báo chí Columbia, một số trang thuê nhân viên ở Philippines tạo nội dung, số khác thì dùng thuật toán – chính là nền tảng của AI – để viết ra hàng trăm tin bài dựa trên dữ liệu của chính quyền. “Bây giờ muốn làm những trang thế này quá đơn giản,” Bengani nói. “Bất kỳ ai ngồi ở bất kỳ đâu cũng có thể tạo ra những thứ như vậy.”

Một bài viết trên trang NewsGPT – trang tin tức đầu tiên trên thế giới mà nội dung hoàn toàn do AI tạo ra.

Tiềm ẩn nguy cơ thông tin không chính xác

“…, Tuy nhiên, sự chính xác của các câu trả lời là điều bị đặt dấu hỏi. Các học giả ở Australia đã phát hiện những thí dụ cho thấy hệ thống này ngụy tạo các nguồn tham khảo từ các website rồi trích dẫn các câu nói giả mạo.”

Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí cũng gây ra nhiều tranh cãi. Website thông tin công nghệ CNET sử dụng AI để sinh ra các bài viết rồi sau đó các biên tập viên sẽ kiểm tra lỗi trước khi xuất bản. Trang này thừa nhận hồi tháng 01/2023 rằng chương trình có nhiều hạn chế, sau khi một bài viết trên trang tin tức công nghệ Futurism tiết lộ rằng hơn một nửa tin bài tạo ra bằng các công cụ AI đã phải qua biên tập để sửa lỗi. Có lần, CNET đã buộc phải có những đính chính đối với một bài viết có quá nhiều lỗi đơn giản.

Nhà báo Alex Mahadevan của chuyên trang báo chí Poynter là người thử nghiệm việc này và khi anh kể lại quá trình tạo lập ra tờ báo giả 100%.

Quyền sở hữu các bài viết do AI tạo ra?

Vậy trong thực tế khi các tòa soạn bắt đầu tích hợp AI để sản xuất nội dung thì có một câu hỏi quan trọng là: Ai sở hữu tài sản trí tuệ (IP) và các quyền phát hành nội dung? Cơ quan báo chí ra lệnh cho nền tảng AI hay là chính nền tảng AI đó?

Không như ở Mỹ, luật của Anh cho phép bảo hộ quyền đối với các tác phẩm do máy tính tạo ra, mặc dù chỉ cá nhân hoặc tổ chức mới có quyền “sở hữu” tài sản trí tuệ, chứ không bao giờ là AI.

Trên thực tế, nếu các nhà báo sử dụng AI thì cần phải kiểm tra kỹ điều khoản dịch vụ của các nền tảng để đánh giá thận trọng các quy định về sở hữu trí tuệ. Một số nền tảng “trao” quyền sở hữu trí tuệ cho người dùng trong khi một số nền tảng khác có thể giữ quyền này và cấp nó theo một “giấy phép” (có thể theo những quy định hạn chế cho việc sử dụng của các tòa soạn).

Nguy cơ của hoạt động xuất bản nội dung AI

Dù cho bản quyền sở hữu trí tuệ thuộc về ai thì các tòa soạn cũng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm về mọi nội dung do AI khởi tạo mà họ xuất bản, gồm cả khả năng nội dung bị coi là bôi nhọ hoặc sai lệch. Dù rằng cho tới nay nhiều công cụ AI không “xuất bản” các câu trả lời cho bất kỳ ai ngoài chính người sử dụng, bất kỳ ai sử dụng các công nghệ này đều phải chịu trách nhiệm về nội dung mà họ đăng tải.

Nguy cơ lớn nhất đối với các tòa soạn xuất bản các tác phẩm do AI khởi tạo là việc tình cờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba. Các nhà báo không thể biết hình ảnh hay đoạn văn bản nào được sử dụng để huấn luyện AI, hoặc được lôi về để tạo ra nội dung theo yêu cầu.

Các tòa soạn phải chấp nhận một thực tế rằng những nội dung “có vẻ gốc” do AI tạo ra có thể chịu ảnh hưởng rất nhiều – hoặc bị sao chép trực tiếp – từ các nguồn của bên thứ ba mà không được phép. Lưu ý rằng điều khoản dịch vụ của các nền tảng AI không hề đưa ra bảo đảm rằng kết quả sẽ không vi phạm bản quyền, và như vậy thì các tòa soạn sẽ chẳng có cơ sở pháp lý nào nếu bị tác giả kiện.

Cần có giải pháp đối phó với các nội dung độc hại với báo chí sử dụng AI

Hiện nay, những tổ chức như Liên minh vì tính xác thực của nội dung đang cố gắng đưa ra bộ công cụ truy gốc nguồn của nội dung báo chí và đánh dấu xác nhận tính xác thực của các sản phẩm gốc. Tuy nhiên, thư viện dữ liệu hỗ trợ việc kiểm chứng quá nhỏ bé so với làn sóng tin giả trên mạng đang được AI hỗ trợ nhân lên với con số khủng khiếp.

Những sản phẩm do AI tạo ra thiếu sắc thái xã hội, thiếu cảm xúc và khả năng tương tác với con người của nhà báo thật

Vào tháng 01/2023, ChatGPT đã thừa nhận điểm yếu của mình với hãng kiểm chứng thông tin Newsguard: “Kẻ xấu có thể biến tôi thành vũ khí bằng cách tinh chỉnh mô hình của tôi với dữ liệu của họ, có thể bao gồm những thông tin sai sai lệch hoặc giả mạo.” Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm và thấy rằng thừa nhận trên hoàn toàn đúng, vì nếu đưa ra 100 lệnh cho ChatGPT mà có thông tin sai lệch thì nó sẽ trả lại những câu trả lời sai lệch với tỷ lệ lên tới 80%.

Hơn nữa, tuy rất siêu việt trong việc thu thập và xử lý dữ liệu, AI thiếu sắc thái xã hội, thiếu cảm xúc và khả năng tương tác với con người của một nhà báo bằng xương bằng thịt. Nếu không có sự can thiệp của con người, rất có thể những nội dung do AI tạo ra sẽ không đáp ứng được các tiêu chuẩn về biên tập của các tòa soạn.

AI ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của Báo chí

Khi sử dụng AI, đồng nghĩa các tòa soạn sẽ cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí, thậm chí làm thay đổi cả mô hình kinh doanh đã tồn tại nhiều thập kỷ trong lĩnh vực quảng cáo digital.

Lâu nay các cơ quan báo chí cũng như các máy tìm kiếm dựa vào sự chú ý của người dùng đối với quảng cáo, theo đó, người dùng gõ câu hỏi vào một công cụ tìm kiếm (tạo doanh thu quảng cáo bằng cách ưu tiên những đường link có tài trợ) trước khi chuyển sang website của bên thứ ba để đưa ra câu trả lời (những website này lại kiếm doanh thu thông qua quảng cáo của bên khác).

Giờ đây, khi ChatGPT lướt toàn cõi mạng, đọc những đường link có nội dung liên quan rồi đóng gói câu trả lời trong một đoạn văn bản ngắn gọn, lúc này người dùng có lướt web nữa hay không?

Thách thức đặt ra “Có nên đầu tư AI trong báo chí?”

Trong một kỷ nguyên mà các cơ quan báo chí phải cạnh tranh về tốc độ, những tiêu đề hoặc tóm tắt do AI gợi ý có thể giúp công tác nghiên cứu và viết bài hiệu quả hơn đối với những nhà báo luôn chịu sức ép về thời gian.

Những cơ quan báo chí lớn như Forbes, hãng tin AP hay tạp chí online nhỏ hơn như Worldcrunch đã sử dụng AI nhiều năm qua, sản xuất những bản tin tự động và đơn giản.

Hiện nay, những cơ quan báo chí tên tuổi và có thương hiệu lớn đã phải mất nhiều thập kỷ thúc đẩy hoạt động đưa tin thận trọng và cân bằng, sẽ phải tiếp tục duy trì vị thế như là nguồn tạo ra nội dung gốc chất lượng cao để giành lấy niềm tin của độc giả, khán thính giả. Tuy nhiên, thư viện dữ liệu hỗ trợ việc kiểm chứng quá nhỏ bé so với làn sóng tin giả trên mạng đang được AI hỗ trợ nhân lên với con số khủng khiếp. Chỉ cần sử dụng vài nhân sự với công đoạn cắt dán đơn giản vài câu lệnh nghèo nàn là có thể tạo ra hàng đống thuyết âm mưu đầy thuyết phục, chia sẻ với độ phủ rộng hơn và nhắm trúng đích người dùng hơn trước rất nhiều. 

 

CHATGPT - HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ Ở NƯỚC TA

Trong trả lời phỏng vấn mới nhất gần đây, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hòa, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam – chuyên gia có hơn 25 năm kinh nghiệm về giảng dạy, nghiên cứu, thực hành AI tại Việt Nam, Australia, Hàn Quốc, chia sẻ:

“ChatGPT sẽ cho ra kết quả đủ để ít nhất 30 phút đầu người dùng phải bất ngờ với sự thông minh của nó. Tất nhiên sau khoảng 03 ngày sử dụng các bạn sẽ thấy những điểm còn yếu kém, nhưng 30 phút đầu tiên luôn là 30 phút toàn diện nhất của ChatGPT. ChatGPT được xây dựng thân thiện hơn so với các công cụ tương tự. Đội ngũ của OpenAI đã biết cách tinh chỉnh LLM cho bài toán chatbot.” ChatGPT có thể thay thế con người trong một số ngành nghề đặc thù, khiến nhiều nghề có thể biến mất.

Thực tế ở Việt Nam có một thực tế đáng buồn là từ trước đến giờ chỉ những lĩnh vực công nghệ, hay doanh nghiệp mới nghiên cứu về AI, lĩnh vực báo chí mới ở giai đoạn tiếp cận và thử nghiệm và “xu thế tiếp theo vẫn là con người với sự trợ giúp của AI để làm việc”.

Mới đây, một phóng sự được viết bằng công nghệ trí thông minh nhân tạo vừa được phát sóng trên một đài truyền hình. Có lẽ, đây cũng là phóng sự đầu tiên Chat GPT được ứng dụng thực tế tại Việt Nam và thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Điều này đã đặt ra một vấn đề lớn đối với lĩnh vực báo chí hiện nay. 

Với một biên tập viên, thời gian tối thiểu để viết được một phóng sự, bài viết có thể mất khoảng 1-2 tiếng. Nhưng với Chat GPT, thì nó chỉ có thể mất vài phút, thậm chí là ngắn hơn, tuỳ theo yêu cầu đặt ra của người dùng.

Tuy nhiên, nhược điểm của ứng dụng này hiện nay là việc chọn lọc thông tin có thể không chính xác bởi nó thu thập thông tin từ rất nhiều nguồn. Trong đó, có cả những nguồn không chính thống, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và tri thức tuyên truyền. Hiện tại, nước ta chưa có khung và luật áp dụng khi sử dụng ứng dụng này. Hơn nữa, để ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiệu quả trong công việc, bản thân người sử dụng cũng cần phải biết cách hỏi thì mới có được câu trả lời chính xác nhất.

Hội thảo “ChatGPT với Báo chí truyền thông – cơ hội và thách thức”

ChatGPT sẽ không thể thay thế được hoạt động của nhà báo, chủ thể sáng tạo ra sản phẩm báo chí – nhận định này nhận được nhiều sự đồng tình tại Hội thảo “ChatGPT với Báo chí truyền thông – cơ hội và thách thức” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Báo Tuyên Quang tổ chức chiều 01/3/2023. 

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh – Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằngsự ra đời của ChatGPT đã cho ra đời một phương pháp truyền thông mới trong thời đại chứng kiến của phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ.

“Tuy nhiên ChatGPT không thể thay thế con người, các nhà báo trong việc sáng tạo ra các tác phẩm báo chí để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng trong hiện tại và cả tương lai. Bởi ChatGPT không thể thay thế được những thao tác nghề nghiệp” – PGT.TS Nguyễn Ngọc Oanh khẳng định.

Cũng theo vị chuyên gia này, nhà báo mới là người tạo ra dữ liệu, phản ánh chân thực cuộc sống bằng nhãn quan nghề nghiệp. Do đó, để tận dụng những cơ hội do ChatGPT tạo ra, nhà báo cần trau dồi kiến thức, các kỹ năng chuyên môn, tận dụng tối đa công nghệ.

Đồng quan điểm, nhà báo Ngô Trần Thịnh – Trung tâm Tin tức (Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, ChatGPT sẽ không bao giờ làm được một tác phẩm có “tính con người” bao gồm cảm xúc, sự sáng tạo.

Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn

Sáng 18/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 đã diễn ra Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn, tại đây ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định:

Cơ hội của việc sử dụng AI, đặc biệt là ChatGPT hiện rất lớn. ChatGPT có thể tạo ra những nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng, giúp tăng tương tác với độc giả và giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi cũng như giải đáp thắc mắc của khách hàng. Bên cạnh đó việc sử dụng ChatGPT và ứng dụng AI trong báo chí truyền thông sẽ thúc đẩy hoạt động báo chí truyền thông phải đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp kỹ thuật sử dụng AI và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí phù hợp.

Trên thực tế, ChatGPT và AI áp dụng trong báo chí không chỉ giới hạn trong việc viết bài hay biên tập nội dung. Mà có thể sử dụng nhằm nắm bắt hành vi người dùng, từ đó có thể đưa ra các nội dung phù hợp với bạn đọc. Điều này không chỉ giúp độc giả được tiếp cận với nhiều nội dung hơn mà còn giữ chân họ ở tại tờ báo được lâu hơn. Con đường mà báo chí phải đi là đồng hành cùng công nghệ, Tổng Biên tập báo Nhân Dân khẳng định.

Chia sẻ về ứng dụng ChatGPT trong hoạt động của một tòa soạn báo, Phó Tổng Biên tập Vietnamplus Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng, công cụ này rất thích hợp để trở thành trợ lý biên tập viên. Theo đó, ChatGPT có thể phát huy tác dụng trong các hoạt động tiền xử lý như lên ý tưởng và thực hiện nghiên cứu ban đầu cho một chủ đề. Đồng thời tiến hành xử lý hậu kỳ như tạo bài đăng cho mạng xã hội, tóm tắc và tối ưu hóa một chủ đề. Với khoảng thời gian được tiết kiệm này, phóng viên, biên tập viên có thể sử dụng vào nghiên cứu các tin bài sâu hơn và mang lại nội dung chất lượng hơn.

Không chỉ vậy, ChatGPT còn có ứng dụng rất mạnh trong khâu cá nhân hóa nội dung. Nó cho phép các tòa soạn cung cấp nội dung có liên quan sâu sắc đến đối tượng bạn đọc của mình, giúp cải thiện mức độ hài lòng và sự trung thành của người đọc. Do đó, nhiệm vụ của các tòa soạn là sử dụng AI để phân tích dữ liệu khổng lồ về hành vi, sở thích, mối quan tâm của độc giả.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ:

Các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp. Không thể coi đây là sự thay thế cho lực lượng phóng viên tác nghiệp thực tế.

Bởi, khác với con người, AI không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí. Do đó, để làm chủ và sử dụng được công cụ số nói chung và các phần mềm ứng dụng AI nói riêng, mỗi nhà báo Việt Nam càng phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng, học hỏi, thảo luận để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ chúng ta.

“Nguy cơ dùng dữ liệu và tin giả trong tác phẩm báo chí là rất cao, nếu quản trị nội dung trong toà soạn không theo kịp được sự phát triển của công nghệ số. Trong bối cảnh hành lang pháp lý cho nền báo chí số của Việt Nam còn chưa theo kịp thực tiễn, những rắc rối pháp lý, sự đe doạ an ninh truyền thông, các vụ việc vi phạm bản quyền và các tranh cãi về đạo đức báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí khi ứng dụng báo chí tự động… là những thách thức lớn hiện nay”.

Với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ truyền thông, đặc biệt sự xuất hiện ChatGPT đã tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức đối với lĩnh vực báo chí nói riêng và nhiều ngành nghề khác nói chung. Về lợi ích của ứng dụng này thì có lẽ không phải bàn cãi bởi nó truy xuất thông tin rất nhanh và rành mạch. Nhưng nó lại đặt ra vấn đề về con người và công việc trong tương lai.

Thời điểm hiện tại, giới chuyên gia vẫn bị chia rẽ về lợi ích và tác hại của việc đưa AI vào hoạt động sản xuất báo chí, rằng yếu tố nào sẽ ảnh hưởng lớn hơn. Nhưng dù thế nào thì một cuộc chiến giữa các gã khổng lồ đã được khơi mào kể từ khi ChatGPT ra mắt. Hoạt động trích dẫn nội dung và nguồn, vốn đã được xem là một vấn đề lớn đối với những người sáng tạo nội dung, đang có xu hướng trở thành một cuộc chiến giữa các nhà xuất bản, các công ty cổ súy cho hoạt động tìm kiếm dựa trên AI và các nhà điều phối cùng các chính trị gia, những cá nhân thường chậm phản ứng với các thay đổi mang tính cơ bản về công nghệ.

Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ đòi hỏi những những nhà làm báo cũng phải chủ động thường xuyên cập nhật, làm chủ và sử dụng được công cụ số; mỗi nhà báo Việt Nam càng phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng.

– Lê Thủy –

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Trang thông tin điện tử Viettelstore, https://viettelstore.vn/tin-tuc/chatgpt-la-gi-thong-tin-gioi-thieu-ve-cach-thuc-hoat-dong-cua-chat-gpt

[2]. Báo điện tử Kinh tế Đô thị, https://kinhtedothi.vn/tri-tue-nhan-tao-al-co-hoi-va-thach-thuc-cho-bao-chi.html

[3]. Báo Nhân dân, https://special.nhandan.vn/ChatGPT-trituenhantao-va-baochi/index.html

[4]. Báo điện tử Lao động, https://laodong.vn/xa-hoi/chatgpt-khong-the-thay-the-duoc-nguoi-lam-bao-1153035.ldo

[5]. Báo điện tử Nhân dân, https://special.nhandan.vn/voi-chat-GPT-tri-thong-minh-nhan-tao-da-di-vao-cuoc-song/index.html

[6]. Trang tin điện tử Truyền Hình Quốc Hội Việt Nam, https://quochoitv.vn/chat-gpt-va-noi-lo-anh-huong-tieu-cuc-toi-nganh-bao-chi

Chia sẻ: