Cán bộ, giảng viên, NLĐ

Thực phẩm an toàn – Nền tảng của một xã hội khỏe mạnh

I. Các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, các văn bản liên quan đến công tác quản lý an toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật mới như:

+ Luật số 67/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024;

+ Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi;

+ Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa;

+ Nghị định 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm;

+ Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo;

+ Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo;

+ Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế;

+ Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

+ Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương;

+ Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y;

+ Nghị định số 15/2018/ND-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm; + Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

+ Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;

+ Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT Ban hành bảng mã số HS đối với danh mục hành hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và PTNT và danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

+ Thông tư 29/2023/TT-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2023 hướng dẫn nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm.

+ Thông tư 31/2023/TT-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2023 quy định thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế;

+ Thông tư số 17/2023/TT-BYT ngày 25 tháng 9 năm 2023 sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm

+ Các văn bản pháp luật khác có liên quan đến công tác quản lý an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công thương.

II. Những hành vi bị cấm về an toàn thực phẩm

Căn cứ theo Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định những hành vi bị cấm về an toàn thực phẩm như sau:

– Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm.

– Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.

– Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

– Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

– Sản xuất, kinh doanh:

+ Thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;

+ Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

+ Thực phẩm bị biến chất;

+ Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép;

+ Thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm;

+ Thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu;

+ Thực phẩm không được phép sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh;

+ Thực phẩm chưa được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực phẩm đó thuộc diện phải được đăng ký bản công bố hợp quy;

+ Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng.

– Sử dụng phương tiện gây ô nhiễm thực phẩm, phương tiện đã vận chuyển chất độc hại chưa được tẩy rửa sạch để vận chuyển nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm.

– Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả kiểm nghiệm thực phẩm.

– Che dấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm.

– Người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

– Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng.

– Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.

– Sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè, hành lang, sân chung, lối đi chung, diện tích phụ chung để chế biến, sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố.

III. Hành động vì an toàn thực phẩm

Trong bất kỳ thời đại nào, thực phẩm vẫn luôn là yếu tố cốt lõi nuôi dưỡng sự sống và phát triển của con người. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi đời sống ngày càng nâng cao, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm không chỉ dừng lại ở “ăn no” mà còn hướng đến “ăn sạch, ăn an toàn”. Chính vì vậy, đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề của sức khỏe cá nhân mà còn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của cả xã hội.

Mỗi năm, Tháng hành động vì An toàn thực phẩm được tổ chức từ ngày 15/4 đến ngày 15/5 nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2025, với chủ đề: “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn – Trách nhiệm của toàn xã hội”, chiến dịch này nhấn mạnh vai trò liên kết của mọi đối tượng trong chuỗi cung ứng thực phẩm, từ người sản xuất, nhà phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng.

Thực tế cho thấy, một xã hội khỏe mạnh bắt đầu từ một nền thực phẩm an toàn. Khi thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, hậu quả không chỉ là những vụ ngộ độc đơn lẻ mà còn có thể là các căn bệnh mãn tính, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, kéo theo chi phí y tế khổng lồ và làm suy giảm năng suất lao động.

Để xây dựng một xã hội khỏe mạnh, cần bắt đầu từ gốc – đó là người sản xuất. Nông dân, ngư dân, người chăn nuôi… cần được tập huấn đầy đủ về kỹ thuật, được hỗ trợ áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGap hoặc các tiêu chuẩn khác phù hợp với từng vùng miền. Việc sản xuất an toàn không chỉ mang lại lợi ích về lâu dài cho cộng đồng mà còn nâng cao giá trị nông sản, giúp người nông dân phát triển kinh tế bền vững.

Trong khâu phân phối và kinh doanh, các cơ sở, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo quản, vận chuyển, và bán hàng. Thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác đầy đủ, không kinh doanh thực phẩm quá hạn, hư hỏng, hay vi phạm quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, người kinh doanh cũng cần có đạo đức nghề nghiệp, không vì lợi nhuận mà làm tổn hại đến sức khỏe cộng đồng.

Người tiêu dùng – mắt xích cuối cùng nhưng cũng cực kỳ quan trọng – cần trang bị cho mình kiến thức để lựa chọn thực phẩm đúng cách. Hãy là người tiêu dùng thông thái: ưu tiên thực phẩm có chứng nhận an toàn, tránh mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, hãy mạnh dạn lên tiếng, báo cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn.

Ngoài ra, các trường học, bệnh viện, nhà máy, công ty có tổ chức bếp ăn tập thể cũng cần đặc biệt chú trọng khâu chọn lựa nhà cung cấp, đảm bảo quy trình chế biến hợp vệ sinh, có kiểm tra định kỳ và đào tạo nhân viên bếp theo đúng quy chuẩn.

Nhà nước và các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Song song đó, công tác tuyên truyền, giáo dục cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức sinh động, phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Xây dựng một xã hội khỏe mạnh không thể chỉ dựa vào một ngành hay một cá nhân. Đó là kết quả của sự nỗ lực chung, sự đồng lòng từ mỗi người dân đến các cấp chính quyền. An toàn thực phẩm – tưởng là chuyện nhỏ trong bữa ăn hằng ngày – nhưng lại là viên gạch đầu tiên xây nên sức khỏe cộng đồng, tạo nên nền móng vững chắc cho tương lai quốc gia.

Tháng hành động vì An toàn thực phẩm 2025 chính là dịp để mỗi người trong chúng ta nhìn lại, thay đổi thói quen, chung tay xây dựng môi trường sống lành mạnh hơn. Từ việc trồng rau sạch, lựa chọn sản phẩm uy tín, đến việc nói không với thực phẩm bẩn – tất cả đều góp phần vào sứ mệnh lớn lao: bảo vệ sự sống, gìn giữ sức khỏe con người.

Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Bởi một xã hội khỏe mạnh luôn được vun đắp từ những bữa ăn an toàn mỗi ngày.

Chia sẻ: