Hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường năm 2025 “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa – Lan toả lối sống xanh”
Thực hiện Công văn số 2706/ĐHTN-KHCNĐN ngày 02 tháng 6 năm 2025 của Đại học Thái Nguyên về việc hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2025,
Trường Ngoại ngữ tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường năm 2025 “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa – Lan toả lối sống xanh”, cụ thể như sau:
1. Tuyên truyền, giáo dục
1.1. Hoạt động truyền thông trực quan
– Truyền thông thông điệp sau:
(1) Không xả rác – Không nhựa thải – Không thờ ơ với môi trường.
(2) Tuổi trẻ không ngại thử thách – Hành động vì Trái đất xanh.
(3) Giảm nhựa – Phong cách sống hiện đại.
(4) Thanh niên kiến tạo tương lai bằng hành động xanh hôm nay.
– Phát động tuyên truyền (đăng tải các bài viết, video về bảo vệ môi trường) trên các nền tảng truyền thông số của Nhà trường.
1.2. Chiến dịch truyền thông nội bộ
Tổ chức các chương trình tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, cuộc thi,… về bảo vệ môi trường và xử lý rác thải nhựa; giải pháp sống xanh; tổ chức tuyên truyền, phát động chương trình tới từng đơn vị Phòng, Khoa, Bộ môn; lớp, từng đoàn viên, sinh viên, học viên.
2. Hoạt động thực tiễn
2.1. Tổ chức hoạt động ra quân làm sạch môi trường
– Dọn vệ sinh khuôn viên, ký túc xá, các khu vực công cộng trong và xung quanh Trường.
– Phân loại rác thải, thu gom rác nhựa, nhôm, giấy tái chế.
– Hạn chế bày bán các sản phẩm vỏ nhựa, túi nilon tại các khu vực căng – tin.
2.2. Triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải
– 100% viên chức, người lao động và người học thực hành tiết kiệm điện, nước, giấy in, không sử dụng túi nilon.
– 100% viên chức, người lao động và người học tham gia vào việc thu gom và phân loại rác thải tái chế trong Trường.
– Sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường: Khuyến khích đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng xe buýt thay vì xe máy hoặc ô tô.
– Khuyến khích sử dụng chai nước cá nhân, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
– Khuyến khích các đơn vị, cá nhân nghiên cứu, áp dụng công nghệ tái chế hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu rủi ro môi trường và tạo giá trị gia tăng từ chất thải.
– Cụ thể một số giải pháp về tiết kiệm điện, nước và giảm phát thải:
+ Sử dụng chiếu sáng: Nếu ánh sáng mặt trời đủ chiếu sáng phòng học, phòng làm việc, hãy tắt các bóng đèn để tiết kiệm điện.
+ Sử dụng nước: Nếu các vòi nước bị rò rỉ cần thông báo ngay cho bộ phận kĩ thuật xử lý, khắc phục để tiết kiệm nước và tiết kiệm năng lượng.
+ Sử dụng điều hoà: Thiết lập nhiệt độ điều hòa ở mức hợp lý (18°C – 20°C vào mùa đông và 24°C – 27°C vào mùa hè), hạn chế mở cửa phòng khi sử dụng điều hoà.
+ Cán bộ Phòng: Cuối buổi làm việc, kiểm tra tất các thiết bị điện như máy tính, máy in, máy photo và các thiết bị điện khác đang ở chế độ stand-by đã được tắt hay chưa.
+ Giảng viên: Cuối buổi học, kiểm tra xem các thiết bị như máy tính, máy chiếu, loa và các thiết bị điện khác đang ở chế độ stand-by đã được tắt hay chưa; Nhắc nhở sinh viên tắt đèn khi ra khỏi phòng học; truyền đạt kiến thức về tiết kiệm năng lượng trong các bài giảng.
+ Sinh viên: Kiểm tra và tắt tất cả các thiết bị điện trong phòng học và ký túc xá khi không sử dụng.
2.3. Đưa các chủ đề bảo vệ môi trường vào bài giảng
Tích hợp kiến thức về bảo vệ môi trường vào chương trình giảng dạy nhằm nâng cao nhận thức cho người học. Các chủ đề gồm: rác thải nhựa, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và năng lượng tái tạo. Sử dụng phương pháp thảo luận nhóm, dự án nghiên cứu,… Cung cấp tài liệu và video liên quan cho người học nghiên cứu. Tổ chức đánh giá để kiểm tra mức độ hiểu biết, nhận thức của người học để người học hiểu rõ hơn về vai trò của bản thân trong việc bảo vệ môi trường.